Categories
Tin Tức

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Dân kêu không xem được truyền hình số là lỗi của doanh nghiệp”

Đề án số hóa truyền hình đã sắp hoàn thành giai đoạn 1 vào ngày 15/8/2016. Ảnh minh họa: Internet

Tại phiên họp lần thứ 11 Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình vào chiều 12/8, cả ba đơn vị phát sóng là VTV, Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình số đồng bằng Sông Hồng (RTB) và công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) đều cam kết sẽ đảm bảo chất lượng phủ sóng, sóng truyền hình số đã phủ rộng hơn và tốt hơn truyền hình analog. Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đề nghị các cơ quan báo chí giám sát chất lượng phủ sóng doanh nghiệp truyền hình số.

Ông Đặng Hồng Thu, Giám đốc Trung tâm Truyền dẫn phát sóng thuộc VTV cho biết, VTV đã triển khai 10 máy phát sóng DVB-T2 tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và triển khai 5 máy phát chính cho khu vực đồng bằng Nam Bộ, 1 máy phát phục vụ phủ sóng vùng biển đảo tại Kiên Giang. Vùng phủ sóng số DVB-T2 của VTV đã bao trùm toàn bộ địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ (kể cả địa bàn huyện Cát Hải được phủ sóng số kênh 21, 23 ở Cát Bà và Hiền Hào). VTV đang phát sóng 9 kênh chương trình của VTV.

Ông Thu khẳng định, tại 4 TP sóng analog đến đâu ở đó đã có sóng số. Trong thời gian qua các đoàn kiểm tra khẳng định diện phủ sóng truyền hình số đã bằng và rộng hơn sóng analog. Tuy nhiên, chất lượng sóng của VTV so với AVG thì kém hơn, chưa bằng chất lượng sóng DVB-T2 của AVG vì thực tế mỗi tỉnh thành VTV chỉ có 1 máy phát sóng. Trong khi AVG có nhiều trạm lặp, cấp bù sóng ở các khu che chắn vùng lõm sóng.

Bà Lại Thị Bích, Thành viên Hội đồng quản trị công ty RTB cho hay, công ty RTB đã thiết lập mạng đơn tần với 2 trạm phát sóng DVB-T2 tại Hải Phòng và Hà Nam trên kênh tần số 48, phát sóng kênh 49 tại trạm phát sóng Hà Nội. Ngoài ra, RTB cũng đã triển khai phát sóng 2 trạm phát lại tại Kiến An và Đồ Sơn của Hải Phòng để phủ sóng các vùng lõm tại địa bàn. Vùng phủ sóng DVB-T2 của RTB bao trùm hầu hết địa bàn thành phố Hà Nội và Hải Phòng, chỉ còn một số khu vực rải rác bị che chắn, lõm sóng do địa hình. Các kênh chương trình được truyền tải trên sóng DVB-T2 của RTB là các kênh truyền hình địa phương, trong đó có kênh thiết yếu H1 của Đài PT-TH Hà Nội, Đài PT-TH Hải Phòng.

Bà Bích cho hay, RTB đã phối hợp với Cục Tần số Vô tuyến điện đo kiểm sóng, hiện tại vùng nào có sóng analog là đã được phủ sóng truyền hình số, với chất lượng rộng hơn. RTB đã truyền dẫn kênh của Hải Phòng và Hà Nội với cam kết băng thông phát sóng, SD là 2Mb, HD là 5Mb, chất lượng hình ảnh đẹp, ổn định không bị vỡ hình.

“RTB đã triển khai phát sóng hoàn toàn có thể đảm bảo theo đúng lộ trình tắt sóng của Bộ TT&TT đặt ra”, bà Bích khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc công ty SDTV, chia sẻ, SDTV triển khai phát sóng 7 máy phát tại khu vực đồng bằng Nam Bộ trên kênh tần số 33, 34. Vùng phủ sóng số DVB-T2 của SDTV đã bao trùm toàn bộ TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và địa bàn một số tỉnh lân cận, truyền tải các kênh chương trình truyền hình của Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Tháng 12/2015, SDTV đã phủ sóng toàn bộ Cần Thơ bằng mạng đơn tần. SDTV đảm bảo điều kiện phủ sóng cho người dân, đảm bảo ở khu vực trung tâm có thể thu sóng trong nhà.

Do đặc điểm ở TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ có nhiều hộ dân dùng truyền hình cáp, SDTV đã thử nghiệm đưa tín hiệu DVB-T2 vào mạng cáp để người dân thu xem miễn phí, kết quả thu phát đạt hiệu quả tốt. Hiện tiếp tục triển khai 5 trạm lặp ở TP Hồ Chí Minh ở các huyện ven thành phố, đảm bảo chất lượng thu sóng DVB-T2 trong nhà tốt hơn cho người dân tại vùng ven.

Cho đến thời điểm này, chỉ còn một số nơi trên địa bàn TP Hải Phòng còn một vài điểm lõm sóng truyền hình (cả truyền hình tương tự và truyền hình số mặt đất DVB-T2), gồm có: một số xã có nằm sâu trong địa bàn thị trấn Cát Bà thuộc huyện đảo Cát Hải; khu vực phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn. Các khu vực bị lõm sóng này đều là các khu vực ở gần núi hoặc sâu trong núi và bị che chắn về phía đài phát sóng, người dân tại đây chủ yếu dùng ăng-ten chảo để thu xem tín hiệu truyền hình qua vệ tinh.

Có một điểm đo thuộc địa bàn xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên đang thu xem được truyền hình tương tự kênh VTV1, VTV2 và THP với chất lượng hạn chế nhưng không thu xem được tín hiệu truyền hình số mặt đất của cả VTV và RTB. Địa bàn này nằm ở gần chân núi đá ở cuối huyện Thủy Nguyên, bị che chắn theo hướng về đài phát. Người dân ở đây chủ yếu sử dụng ăng-ten chảo để thu xem tín hiệu truyền hình vệ tinh.Tuy nhiên, các hộ dân thuộc diện hỗ trợ vẫn thu được tín hiệu truyền hình số khi nâng cao anten thu và sử dụng anten có tăng ích tốt hơn.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện khẳng định, vùng phủ sóng truyền hình số rộng hơn, cường độ tốt hơn so với vùng phủ sóng analog, đảm bảo đủ điều kiện để tắt sóng truyền hình analog vào ngày 15/8/2016 tới đây.

Sau khi nghe các doanh nghiệp truyền dẫn báo cáo về vùng phủ sóng truyền hình số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chỉ đạo báo chí phải tham gia giám sát chất lượng phát sóng, nếu dân kêu không thu xem được là lỗi của doanh nghiệp. “Nhà nào làm đúng cam kết báo chí đưa lên, nhà nào cam kết nhưng làm không đúng báo chí cũng đưa lên hết. Các doanh nghiệp phát sóng phải đặt lợi nhuận phía sau, phục vụ lợi ích người dân phải đặt lên trước lợi nhuận”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Đình Anh

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook